Dạy học tích hợp - cơ sở cho sự phát triển năng lực học sinh

UNESCO đã đề xướng mục tiêu học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trường học chúng ta hiện đang nặng về học để biết, nghĩa là chỉ đạt được một trong bốn mục tiêu của UNESCO.
Ngân hàng thế giới gọi thế kỉ XXI là kỉ nguyên của kinh tế dựa vào kĩ năng (Skills Based Economy). Năng lực của con người được đánh giá trên 3 góc độkiến thức, kĩ năng và thái độtrong bối cảnh có ý nghĩa. Giáo dục nước ta hiện nay, đang cố gắng chuyển dần từ đánh giá kiến thức của học sinh sang đánh giá phẩm chất và năng lực làm việc của học sinh. Nói một cách dễ hiểu, người học không chỉ học kiến thức mà quan trọng hơn là rèn luyện kĩ năng hành động liên quan đến kiến thức đó. Peter M. Senge từng nói “vũ khí cạnh tranh mạnh nhất là học nhanh hơn đối thủ”. Rõ ràng muốn tăng cường năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách ứng dụng khoa học công nghệ, thì phải biết cách dạy và cách học. Giáo dục sẽ mãi mãi tụt hậu nếu chỉ chăm chú nhồi nhét kiến thức của nhân loại vào đầu học sinh mà quên đi sứ mạng quan trọng là giáo dục phẩm chất sống, năng lực học tập và sử dụng kiến thức, chẳng hạn năng lực tự học, biết cách tự học là đồng nghĩa với mọi thứ đều biết.
Trước đây, nhà trường là nơi duy nhất để ta tiếp nhận kiến thức. Ngày nay, thế giới càng trở nên phẳng hơn nhờ sách vở, internet và các phương tiện truyền thông làm cho mọi người đều có thể tiếp cận thông tin, dữ liệu một cách bình đẳng, mọi lúc, mọi nơi. Như vậy, để tiếp nhận kiến thức không phải là quá khó khăn trong thời đại ngày nay mà quan trọng là biến kiến thức đó thành kĩ năng, nói như M.A. Đanhilop: “kĩ năng chính là kiến thức trong hành động”. Từ biết, đến hiểu, đến làm việc chuyên nghiệp với năng suất cao là một khoảng cách rất lớn không phải ai cũng thực hiện được, cần có những bứt phá chuyển thói quen thành kĩ năng. Hầu hết các thói quen hình thành một cách vô thức và khó kiểm soát. Trong khi đó kĩ năng được hình thành một cách có ý thức do quá trình luyện tập. Chẳng hạn một ví dụ giả định, trong một vụ cháy ở khu chung cư nọ, mọi người đã nhanh chân thoát khỏi tòa nhà, chỉ còn sót lại một phụ nữ với đứa bé mới sinh trên lầu 3 của tòa nhà, ngọn lửa đã bao phủ từ tầng 1 đến tầng 2. Đám đông bên dưới căng một chiếc chăn và yêu cầu người này ném đứa bé xuống. Sau một hồi do dự, cuối cùng người này cũng ném con của mình xuống dưới đó. Vì đám đông quá hỗn loạn nên mọi người không di chuyển cái chăn đến đúng chỗ mong muốn. Nguy rồi, đưa bé có thể sẽ rơi vào bãi đất trống. Lúc này trong đám đông có một người cao to xuất hiện – đó là thủ thành Ha-mi-đông. Anh nhún chân, bay lên cao, ôm gọn đứa bé vào lòng và nhẹ nhàng tiếp đất bằng vai. Đúng lúc đám đông nín lặng và chuẩn bị hò reo thì Ha-mi-đông đứng dậy, tung đứa bé và đá đi như một trái bóng. Đáng lẽ trở thành người hùng thì anh ta lại chuốc cho mình một kết cục như một kẻ tội đồ. Ôm gọn trái bóng và tiếp đất nhẹ nhàng đó là kĩ năng bắt bóng thuần thục được luyện tập qua nhiều ngày tháng. Nhưng đá trái bóng ra xa thì lại là một thói quen của bất cứ người nắm giữ khung thành nào. Như vậy thủ môn này đã tuân thủ theo đúng chỉ dẫn chuyên ngành, làm theo hành động của sách vở. Nhiều người cho rằng đó là bệnh nghề nghiệp, đã có những bệnh nghề nghiệp gây chết người nực cười, ví dụ khi đi rừng một bác sĩ đã bị rắn cắn vào má, anh ta vội lấy khăn tay quấn vào cổ theo kiểu thắt ga-rô và siết chặt đến bất tỉnh nhận sự. Hay một ví dụ khác không kém khôi hài, một cô sinh viên khoa Địa Lý đang đứng ở cổng trường, có một bác lớn tuổi đi xe đạp đến hỏi đường đi siêu thị Big C. Cô sinh viên này vừa tiếp nhận một lượng kiến thức trên giảng đường về khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm trên Trái Đất theo trắc địa tuyến trên mặt một hình cầu, nên tự tin trả lời: “Xin lỗi, bác hỏi đường đi bộ hay đường chim bay ah?”. Ông này không hiểu và tỏ ra khó chịu, dận dữ trả lời: “Tôi chả biết bộ hay chim bay gì cả mà chỉ hỏi cái đường chim ... đi xe đạp”! Qua mấy ví dụ này, sẽ nhận thấy, ba nhân vất (thủ môn, bác sĩ, sinh viên) chỉ chăm chú vào kiến thức mà thiếu đi nhiều năng lực của cuộc sống. Dạy học tích hợp sẽ là nền tảng giúp phát triển năng lực cho học sinh để các em biết cách bảo vệ cuộc sống và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số nội dung đơn giản về tích hợp và dạy học tích hợp, để chúng ta có cái nhìn khách quan về một chủ trương lớn “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay.
1. Khái niệm tích hợp
Theo từ điển Tiếng Việt: “Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng.Tích hợp có nghĩa là sự thống nhất, sự hòa hợp, sự kết hợp”.
Theo từ điển Giáo dục học: “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”.
Tích hợp (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức: Integration) có nguồn gốc từ tiếng Latinh: Integration với nghĩa xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở những bộ phận riêng lẽ.
Tích hợp có hai tính chất cơ bản, liên hệ mật thiết với nhau và quy định lẫn nhau, đó là tính liên kết và tính toàn vẹn. Tính liên kết có thể tạo ra một thực thể toàn vẹn, tính toàn vẹn dựa trên sự thống nhất nội tại các thành phần liên kết chứ không phải sự sắp đặt các thành phần bên cạnh nhau. Không thể gọi là tích hợp nếu các tri thức, kĩ năng không có sự liên kết, phối hợp với nhau trong lĩnh hội nội dung hoặc giải quyết một vấn đề tình huống.
Nói ngắn gọn, tích hợp là một hoạt động mà ở đó cần phải kết hợp, liên hệ, huy động các yếu tố, nội dung gần và giống nhau, có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết, làm sáng tỏ vấn đề và cùng một lúc đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.

2. Dạy học tích hợp

Dạy học tích hợp là một quan niệm dạy học nhằm hình thành ở học sinh những năng lực giải quyết hiệu quả các tình huống thực tiễn dựa trên sự huy động nội dung, kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là đảm bảo để mỗi học sinh biết cáchvận dụng kiến thức học được trong nhà trường vào các hoàn cảnh mới lạ, khó khăn, bất ngờ, qua đó trở thành một người công dân có trách nhiệm, một người lao động có năng lực. Dạy học tích hợp đòi hỏi việc học tập trong nhà trường phải được gắn với các tình huống của cuộc sống mà sau này học sinh có thể đối mặt vì thế nó trở nên có ý nghĩa đối với các em. Với cách hiểu như vậy, dạy học tích hợp phải được thể hiện ở cả nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức dạy học.
Như vậy, thực hiện dạy học tích hợp sẽ phát huy tối đa sự trưởng thành và phát triển cá nhân mỗi học sinh, giúp các em thành công trong vai trò của người chủ gia đình, người công dân, người lao động tương lai.
Dạy học tích hợp là định hướng về nội dung và phương pháp dạy học, trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống.

3. Tầm quan trọng của tích hợp trong dạy học

Thứ nhất, do mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều ít nhiều có mối liên hệ với nhau. Nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm tương đồng và cùng một nguồn cội … Để nhận biết và giải quyết các sự vật, hiện tượng ấy, cần huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay đang ngày càng xuất hiện các môn khoa học “liên ngành”.
Thứ hai, trong quá trình phát triển của khoa học và giáo dục, nhiều kiến thức, kĩ năng chưa hoặc chưa cần thiết trở thành một môn học trong nhà trường, nhưng lại rất cần trang bị cho HS để họ có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống. Do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kĩ năng đó thông qua các môn học.
Thứ ba, do tích hợp mà các kiến thức gần nhau, liên quan với nhau sẽ được nhập vào cùng một môn học nên số đầu môn học sẽ giảm bớt, tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học nhằm giảm tải cho học sinh.
Thứ tư, khi người giáo viên kết hợp tốt phương pháp dạy học tích hợp, sử dụng các hiện tượng trong thực tiễn cuộc sống, ngoài giúp học sinh chủ động, tích cực say mê học tập còn lồng ghép được các nội dung khác nhau như: bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người thông qua các kiến thức thực tiễn đó. Từ đó giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt.

4. Các mức độ tích hợp cơ bản trong dạy học

a) Tích hợp đa môn

Tiếp cận tích hợp đa môn tập trung trước hết vào các môn học. Các môn liên quan với nhau có chung một định hướng về nội dung và phương pháp dạy học nhưng mỗi môn lại có một chương trình riêng. Tích hợp đa môn được thực hiện theo cách tổ chức các “chuẩn” từ các môn học xoay quanh một chủ đề, đề tài, dự án, tạo điều kiện cho người học vận dụng tổng hợp kiến thức của các môn học có liên quan.

b) Tích hợp liên môn

Theo cách tiếp cận tích hợp liên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các nội dung học tập chung: các chủ đề, các khái niệm và kĩ năng liên ngành, liên môn.
Tích hợp liên môn còn được hiểu như là phương án, trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều cấp lớp. Ví dụ: Địa lí, Lịch sử, Sinh học, Xã hội, Giáo dục công dân, Hoá học, Vật lí, Địa lí được tích hợp thành môn “Nghiên cứu xã hội và môi trường” tại Anh, Australia, Singapore, Thái Lan.
c) Tích hợp xuyên môn
Trong cách tiếp cận tích hợp xuyên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các vấn đề và quan tâm của người học. Học sinh phát triển kĩ năng sống khi áp dụng các kĩ năng môn học và liên môn vào ngữ cảnh thực tế. Hai con đường dẫn đến tích hợp xuyên môn là học tập theo dự án và thương lượng chương trình học. Có thể coi tích hợp xuyên môn là đỉnh cao của tích hợp, khi mà ranh giới giữa các môn học bị xóa nhòa.
5. Xu hướng sử dụng tích hợp kiến thức tổng hợp để tiếp cận tri thức trong dạy học
Xuất phát từ những ưu điểm của dạy học tích hợp, chúng tôi nhận thấy, dạy học tích hợp là cần thiết, một xu hướng tối ưu của lý luận dạy học ngày nay và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện quan điểm tích hợp trong dạy học ở những mức độ nhất định. Trong những năn 70 và 80 vủa thế kỷ XX, UNESCO đã có những hội thảo với các báo cáo về việc thực hiện quan điểm tích hợp trong dạy học của các nước tới dự. Khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay là tăng cường tích hợp, đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS. Theo thống kê của UNESCO (từ năm 1960 – 1974) có 208/392 chương trình môn Khoa học trong chương trình giáo dục phổ thông các nước thể hiện quan điểm tích hợp ở các mức độ khác nhau. Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về chương trình giáo dục phổ thông 20 nước cho thấy 100% các nước đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp.
Theo http://khoahoahoc.vinhuni.edu.vn/dao-tao/dao-tao-dai-hoc/seo/day-hoc-tich-hop-co-so-cho-su-phat-trien-nang-luc-hoc-sinh-74238

loading...

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của simonox. Được tạo bởi Blogger.