Tích hợp là phương thức duy nhất để dạy học phát triển năng lực
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, GS Đinh Quang Báo - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực - khẳng định vai trò của dạy học tích hợp và cho rằng đây chính là phương pháp tạo ra năng lực.
Vận dụng kiến thức là 1 nguyên lý giáo dục bắt buộc
Đã có những nghiên cứu cho thấy, một số không ít giáo viên hiện nay chưa hiểu đúng về dạy học tích hợp dẫn đến việc dạy học tích hợp ở phổ thông hiện nay còn lúng túng cả về nhận thức và thực hành. Giáo sư có thể đưa ra cách hiểu ngắn gọn về nội dung này?
- Nói một cách ngắn gọn, dạy học tích hợp là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, đời sống; thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống.
Tùy thuộc phạm vi tri thức được vận dụng, để giải quyết vấn đề trong các tình huống khác nhau mà có các dạng dạy học tích hợp sau:
Tích hợp các nội dung trong một môn học, khi đó, vừa gắn kết đảm bảo tính đồng bộ giữa các nội dung có liên quan trong một môn học, vừa đặt ra những tình huống đòi hỏi học sinh vận dụng các kiến thức kỹ năng môn học để giải quyết;
Hoặc lồng ghép các nội dung giáo dục cần thiết nhưng không thành một môn học (như các nội dung về môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản...) vào nội dung của mỗi môn học tùy theo đặc trưng của từng môn.
Mức độ tích hợp theo các chủ đề, ở đó chứa đựng các nội dung gần nhau của các môn học, gọi là tích hợp liên môn.
Tích hợp xuyên môn là tích hợp bằng cách thiết kế các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực khoa học, ví dụ: Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên và các kiến thức về khoa học xã hội như Sử, Địa, Đạo đức, Giáo dục công dân thành thành môn Tìm hiểu xã hội hoặc Khoa học xã hội.
Như vậy, giáo viên phải biết phân tích nội dung môn học để thiết kế các hoạt động, sao cho khi thực hiện học sinh phải vận dụng kiến thức kỹ năng ở các phạm vi rộng khác nhau, ứng với các mức độ tích hợp nêu trên, tương thích với các bối cảnh của quá trình dạy học.
Vậy, làm thế nào để giáo viên nhận diện là mình đã thực hiện đúng theo quan điểm dạy học tích hợp, thưa giáo sư?
- Có những dấu hiệu cơ bản của giáo dục tích hợp giáo viên cần nắm được, đó là:
Việc thiết lập các mối quan hệ theo một logic nhất định những kiến thức, kĩ năng khác nhau để thực hiện một hoạt động phức hợp;
Lựa chọn thông tin, kiến thức, kĩ năng cần cho học sinh thực hiện được các hoạt động thiết thực trong các tình huống học tập, đời sống hàng ngày, làm cho học sinh hòa nhập vào thế giới cuộc sống; làm cho quá trình học tập mang tính mục đích rõ rệt.
Nhà trường không đặt ưu tiên truyền đạt kiến thức, thông tin đơn lẻ, mà phải hình thành ở học sinh năng lực tìm kiếm, quản lí, tổ chức sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong tình huống có ý nghĩa.
Cùng với đó, khắc phục được thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kĩ năng rời rạc làm cho con người trở nên"mù chữ chức năng", nghĩa là có thể được nhồi nhét nhiều thông tin, nhưng không dùng được.
Như vậy, dạy học tích hợp là cách giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử dụng, để có điều kiện tăng tải kiến thức có ích.
Để lựa chọn nội dung kiến thức đưa vào chương trình các môn học, trước hết phải trả lời kiến thức nào cần và có thể làm cho học sinh biết huy động vào các tình huống có ý nghĩa.
Biểu hiện của năng lực là biết sử dụng các nội dung và các kĩ năng trong một tình huống có ý nghĩa, chứ không ở tiếp thụ lượng tri thức rời rạc.
Từ hiểu đúng đến làm đúng và làm có hiệu quả là cả một khoảng cách không nhỏ. GS có thể chia sẻ với các giáo viên, làm thế nào để thực sự phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp?
- Để làm được điều này, cần phải đi từ gốc của vấn đề. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới chúng ta đang sống chứa đựng, tích hợp nhiều tính chất.
Do đó, phải dạy học trò đúng về sự vật đó, nếu tách ra chỉ có tính chất vật lý, hay hóa học, sinh học là xuyên tạc sự vật. Nguồn gốc của vấn đề là thế, không phải ta muốn hay không muốn, đã đứng trên bục giảng là phải thực hiện tích hợp.
Để làm được điều này, giáo viên cần tổ chức cho học sinh các hoạt động vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, để hiểu sự vật với tri thức đa dạng, từ đó phát triển năng lực.
Cũng trong hoạt động này, học sinh sẽ phải huy động nhiều mảng kiến thức khác nhau, bời không thể giải quyết vấn đề chỉ với một nội dung kiến thức đơn lẻ.
Hình dung về phương án tích hợp trong chương trình mới
Có người cho rằng, với chương trình, sách giáo khoa như hiện nay, giáo viên rất khó để thực hiện dạy học tích hợp. Điều này có đúng không, thưa giáo sư?
- Có thể nói, quá trình xây dựng chương trình ở tiểu học về cơ bản đã quán triệt tinh thần tích hợp. Chẳng hạn môn Tìm hiểu tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3; môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4,5.
Ở THCS và THPT đã thực hiện tích hợp các nội dung trong từng môn học. Ví dụ: tích hợp các phân môn Cơ học, Điện, Nhiệt học và Quang học trong môn Vật lý; Đại số, Hình học, Lượng giác trong môn Toán; Hóa học hữu cơ và Hóa học vô cơ trong môn Hóa học; Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội trong môn Địa lý; Tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn trong môn Ngữ Văn;
Tích hợp các nội dung giáo dục về năng lượng, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào nhiều môn học khác nhau.
Tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam nên được thể hiện như thế nào, giáo sư có thể bày tỏ quan điểm?
- Từ chương trình, nhất là từ các đặc điểm môn học hiện nay của chương trình giáo dục phổ thông, chúng ta có thể làm như sau để nâng cao hiệu quả giáo dục thông qua tăng cường cả tích hợp và phân hóa trong quá trình dạy học.
Về dạy học tích hợp ở tiểu học, cần tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Lớp 4 và lớp 5, thực hiện điều chỉnh và hình thành hai môn: Khoa học và Công nghệ (chủ yếu dựa trên cơ sở môn học này ở các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành); Tìm hiểu xã hội (chủ yếu dựa trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).
Ở THCS: Tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân,… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,…vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Xây dựng hai môn học mới: Môn Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và môn Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội).
Hai môn học này được xây dựng cơ bản đảm bảo tính logic, nội dung các phân môn được sắp xếp sao cho có sự hỗ trợ lẫn nhau và tránh trùng lặp; đồng thời xây dựng thêm những chủ đề liên kết giữa các phân môn.
Ở THPT: Tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung chưa thành môn học nhưng cần thiết giáo dục cho học sinh vào các môn học và hoạt động như đã làm trong chương trình hiện hành.
Xin cảm ơn giáo sư!
Báo Giáo dục và Thời đại
loading...
Không có nhận xét nào