Triệu phú 18 tuổi nhờ viết ứng dụng trên Google Play


18 tuổi, Trần Lê Duy đã có một thành tích đáng nể, “làm chủ” nhiều ứng dụng trên Google Play, mang về thu nhập hơn 70 triệu đồng/tháng.
Trần Lê Duy nhận chứng nhận Sách vàng sáng tạo
ẢNH: NGỌC THẮNG
Duy là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Châu Thành, An Giang). Trong số các tác giả được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo VN 2018, Duy có tuổi đời trẻ nhất.

So với các bạn ở TP, Duy có phần thiệt thòi hơn khi tiếp cận với công nghệ khá muộn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mãi đến năm học lớp 10, Duy mới được mẹ mua cho một chiếc máy tính. Yêu thích công nghệ, Duy lao vào nghiên cứu kiến thức lập trình. Trong quá trình học, cậu học trò này nhận thấy việc giải phương trình, tính toán, vẽ đồ thị, tích phân trên máy tính rất khó khăn… Trong khi đó, để hỗ trợ việc học tập, đa số học sinh ở VN sử dụng các máy tính cầm tay. Tuy nhiên, do bộ nhớ rất ít, nên tốc độ tính toán chậm, kết quả sai số cao; khả năng hiển thị kém, độ nét thấp.

“Việc sở hữu một thiết bị di động, nhất là các thiết bị chạy hệ điều hành Android là rất phổ biến trong học sinh, sinh viên trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Hiện trên kho ứng dụng của hệ điều hành Android, IOS, WindowsMobile có một số ứng dụng có chức năng tương tự một máy tính cầm tay. Tuy nhiên, những ứng dụng miễn phí thì chỉ có một số chức năng tính toán cơ bản. Một số ứng dụng có chức năng tương đối đầy đủ phải tốn phí bản quyền và đa số do người nước ngoài phát triển nên giao diện không thuần Việt. Để khắc phục những hạn chế, em đã sử dụng kiến thức về toán học, tin học để tạo ra ứng dụng Máy tính đa năng NCalc+”, Duy chia sẻ.

Sau 1 năm này mò nghiên cứu, Duy viết xong ứng dụng “Máy tính đa năng NCalc+”. Đây là phần mềm mô phỏng một máy tính cầm tay chạy trên hệ điều hành Android nhằm hỗ trợ việc học toán và các môn học tự nhiên của học sinh. Ứng dụng không chỉ thực hiện các chức năng cơ bản của máy tính thông thường, mà còn vượt trội với tốc độ rất nhanh, khắc phục được các điểm yếu của máy tính cầm tay hiện nay như tốc độ chậm, giới hạn độ chính xác, bộ nhớ thấp, không lưu nhiều lịch sử, nhập dữ liệu khó khăn…
Duy cho biết: “Ngoài chức năng cơ bản, ứng dụng còn tích hợp nhiều chức năng mà các máy tính trên thị trường không có như: vẽ đồ thị hàm số, hình học 2D, giải phương trình bất kỳ, hệ phương trình tuyến tính, tính đạo hàm, phân tích đa thức thành nhân tử, rút gọn biểu thức, thống kê, vẽ biểu đồ, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng giọng nói… Điều đặc biệt, ứng dụng bám sát vào chương trình học trong sách giáo khoa, hình học tọa độ lớp 10, phương trình lượng giác lớp 11, khai triển nhị thức Newton lớp 11... là một công cụ đắc lực giúp học sinh, sinh viên giải quyết các bài toán một cách chính xác, nhanh chóng”.



Ứng dụng đã được chạy thử nghiệm trên nhiều thiết bị khác nhau, có giao diện thân thiện, tốc độ nhanh, kết quả chính xác. Được thầy cô động viên, Duy gửi ứng dụng tham dự các cuộc thi về tin học. Thật bất ngờ, cậu học trò vùng nông thôn liên tiếp giành vị trí cao nhất tại các cuộc thi: Hội thi tin học trẻ An Giang năm 2017; cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2017; cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2017...
Duy bộc bạch: “Em viết phần mềm không phải để lấy giải ở các cuộc thi mà vì đam mê công nghệ và em chỉ muốn giúp các bạn học sinh ở vùng nông thôn không có điều kiện mua máy vi tính vẫn ứng dụng điện thoại học tốt các môn học. Vì vậy, em đã đưa lên PlayStore của Google hoàn toàn miễn phí. Rất mừng là không chỉ các bạn học sinh trong nước mà nhiều người dùng ở các nước như: Nga, Mỹ, Brasil, Ấn Độ, Nhật Bản... sử dụng và đánh giá cao”.
Với giao diện hiện đại, dễ sử dụng, chỉ sau 2 năm, số lượt tải ứng dụng NCalc+ đến thời điểm là gần 490.000 lượt, với khoảng 4.800 lượt đánh giá 4.8/5 sao. Ngoài ứng dụng trên, Duy còn là tác giả của các ứng dụng khác được Google Play đưa vào kho ứng dụng. Trong đó, có những ứng dụng có lượt tải cao như: ứng dụng Pascal trên điện thoại di động 360.000 lượt; ứng dụng mô phỏng máy tính casio sắp đạt mốc gần 1 triệu lượt tải.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Duy cho biết: “Em sẽ tiếp tục hoàn thiện các phiên bản tiếp theo, tích hợp trực tiếp web vào các máy tính để có thể hiển thị như trong sách giáo khoa; đồng thời sẽ dịch ra nhiều ngôn ngữ khi đưa vào kho ứng dụng Google Play Store”.
Theo Thanhnien.vn


loading...

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của simonox. Được tạo bởi Blogger.