Quy trình xây dựng chuyên đề dạy học

Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, mỗi chuyên đề dạy học phải giải quyết trọng vẹn một vấn đề học tập. Vì vậy, việc xây dựng mỗi chuyên đề dạy học cần thực hiện theo quy trình nhất định.
Xác định vấn đề cần giải quyết trong dạy học chuyên đề sẽ xây dựng
Vấn đề cần giải quyết có thể là một trong các loại sau: Vấn đề tìm kiếm, xây dựng kiến thức mới; vấn đề kiểm nghiệm, ứng dụng kiến thức; vấn đề tìm kiếm, xây dựng, kiểm nghiệm và ứng dụng kiến thức mới.
Căn cứ vào nội dung chương trình và sách giáo khoa của môn học, tổ/nhóm chuyên môn có thể xác định các nội dung kiến thức liên quan với nhau được thể hiện ở một số bài/tiết hiện hành, từ đó xây dựng thành một vấn đề chung để tạo thành một chuyên đề dạy học đơn môn.
Trường hợp có những nội dung kiến thức liên quan đến nhiều môn học, lãnh đạo nhà trường giao cho các tổ chuyên môn liên quan cùng nhau lựa chọn nội dung để thống nhất xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn.
Tùy nội dung kiến thức; điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường; năng lực của giáo viên và học sinh, có thể xác định một trong các mức độ sau:
Mức 1: Giáo viên đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên đánh giá kết quả làm việc của học sinh.
Mức 2: Giáo viên nêu vấn đề, gợi ý để học sinh tìm ra cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của giáo viên khi cần. Giáo viên và học sinh cùng đánh giá.
Mức 3: Giáo viên cung cấp thông tin tạo tình huống có vấn đề. Học sinh phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự đề xuất các giả thuyết, giải pháp và lựa chọn giải pháp. Học sinh thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề. Giáo viên và học sinh cùng đánh giá.
Mức 4: Học sinh tự lực phát hiện vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh của mình hoặc cộng đồng, lựa chọn vấn đề cần giải quyết. Học sinh giải quyết vấn đề, tự đánh giá chất lượng, hiệu quả, có ý kiến bổ sung của giáo viên khi kết thúc.
Ví dụ: Một chuyên đề vật lí được xây dựng theo tiến trình dạy học giải quyết vấn đề ở mức 3 có thể được xây dựng như sau:
Theo sách giáo khoa Vật lý lớp 10 trung học phổ thông, các định luật chất khí được trình bày trong 3 tiết riêng biệt: Định luật Bôilơ - Mariốt (1 tiết); Định luật Sáclơ. Nhiệt độ tuyệt đối (1 tiết); Phương trình trạng thái của khí lí tưởng. Định luật Gay Luy xác (1 tiết). Nội dung của 3 tiết học đều giải quyết một vấn đề chung là mối quan hệ giữa các thông số trạng thái của một khối lượng khí nhất định.
Vì vậy, cần phải xây dựng nội dung dạy học thành chuyên đề "Các định luật chất khí". Các hoạt động học được thực hiện trong khoảng 2 tuần (theo thời lượng hiện hành), trong đó có 3 tiết hoạt động học trên lớp.
Xây dựng nội dung chuyên đề
Căn cứ vào tiến trình sư phạm của phương pháp dạy học tích cực được sử dụng để tổ chức hoạt động học cho học sinh, từ tình huống xuất phát đã xây dựng, dự kiến các nhiệm vụ học tập cụ thể tiếp theo tương ứng với các hoạt động học của học sinh, từ đó xác định các nội dung cần thiết để cấu thành chuyên đề.
Lựa chọn các nội dung của chuyên đề từ các bài/tiết trong sách giáo khoa của một môn học hoặc/và các môn học có liên quan để xây dựng chuyên đề dạy học.
Xác định chuẩn chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ
Xác định chuẩn chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ theo chương trình hiện hành và các hoạt động học dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, từ đó xác định các năng lực và phẩm chất có thể hình thành cho học sinh trong chuyên đề sẽ xây dựng.
Xem bảng biểu hiện của một số phẩm chất cần hình thành và phát triển cho học sinh trong dạy học TẠI ĐÂY.
Xem bảng biểu hiện của một số năng lực cần hình thành và phát triển cho học sinh trong dạy học TẠI ĐÂY.
Xác định và mô tả 4 mức độ yêu cầu
Bước tiếp theo là xác định và mô tả 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học; 
Biên soạn các câu hỏi/bài tập cụ thể theo các mức độ yêu cầu đã mô tả để sử dụng trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá, luyện tập theo chuyên đề đã xây dựng.
Thiết kế tiến trình dạy học chuyên đề
Thiết kế tiến trình dạy học chuyên đề thành các hoạt động học được tổ chức cho học sinh có thể thực hiện ở trên lớp và ở nhà, mỗi tiết học trên lớp có thể chỉ thực hiện một số hoạt động trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng. 
Trong chuỗi hoạt động học, đặc biệt quan tâm xây dựng tình huống xuất phát.
Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học mỗi chuyên đề theo phương pháp dạy học tích cực, học sinh cần phải được đặt vào các tình huống xuất phát gần gũi với đời sống, dễ cảm nhận và các em sẽ tham gia giải quyết các tình huống đó. 
Trong quá trình tìm hiểu, học sinh phải lập luận, bảo vệ ý kiến của mình, đưa ra tập thể thảo luận những ý nghĩ và những kết luận cá nhân, từ đó có những hiểu biết mà nếu chỉ có những hoạt động, thao tác riêng lẻ không đủ tạo nên. 
Những hoạt động do giáo viên đề xuất cho học sinh được tổ chức theo tiến trình sư phạm nhằm nâng cao dần mức độ học tập. Các hoạt động này làm cho các chương trình học tập được nâng cao lên và dành cho học sinh một phần tự chủ khá lớn. 
Mục tiêu chính của quá trình dạy học là giúp học sinh chiếm lĩnh dần dần các khái niệm khoa học và kĩ thuật, học sinh được thực hành, kèm theo là sự củng cố ngôn ngữ viết và nói. 
Những yêu cầu mang tính nguyên tắc nói trên của phương pháp dạy học tích cực là sự định hướng quan trọng cho việc lựa chọn các chuyên đề dạy học. Như vậy, việc xây dựng các tình huống xuất phát cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau đây:
Tình huống xuất phát phải gần gũi với đời sống mà học sinh dễ cảm nhận và đã có ít nhiều những quan niệm ban đầu về chúng.
Việc xây dựng tình huống xuất phát cần phải chú ý tạo điều kiện cho học sinh có thể huy động được kiến thức ban đầu để giải quyết, qua đó hình thành mâu thuẫn nhận thức, giúp học sinh phát hiện được vấn đề, đề xuất được các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.
Tiếp theo tình huống xuất phát là các hoạt động học như: đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề; thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề; báo cáo, thảo luận; kết luận, nhận định, hợp thức hóa kiến thức...
Bảng dưới đây mô tả việc sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực trong tiến trình dạy học giải quyết vấn đề:
Theo https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/quy-trinh-xay-dung-chuyen-de-day-hoc-1220501.html
loading...

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của simonox. Được tạo bởi Blogger.