Hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kì (giữa kì I) đối với GDPTGDTX cấp THCS, THPT năm học 2021-2022
Kính gửi:
- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo;
- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông;
- Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Căn cứ Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên;
Căn cứ Thông tư số 21/2021/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 26/2014/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông;
Căn cứ Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT ứng phó với dịch COVID-19 năm học 2021-2022;
Căn cứ Công văn số 2508/SGDĐT-GDTrH-GDTX ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kì (giữa kì I) trong điều kiện dịch COVID-19 đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (GDPT-GDTX) cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) năm học 2021-2022, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH KIỂM TRA
- Hoàn thành việc đánh giá định kì (giữa kì I) quá trình dạy học và quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh trong điều kiện dịch COVID-19.
- Nhằm đánh giá kết quả kiểm tra thật, không chạy theo thành tích về việc tiếp thu kiến thức của học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến để điều chỉnh hoạt động dạy và học phù hợp, nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức học sinh, nâng cao ý thức về tính tự giác, tính trung thực trong việc chấp hành nội qui kiểm tra trực tuyến và các hoạt động giáo dục của đơn vị.
II. YÊU CẦU KIỂM TRA
- Đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh.
- Nội dung đề kiểm tra cần có sự linh hoạt, tăng cường việc đánh giá khả năng sáng tạo, tư duy phân tích, hạn chế những nội dung học thuộc lòng.
- Đề kiểm tra có thể thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận hoặc tự luận hoàn toàn nhưng phải đảm bảo đúng theo cấu trúc, mức độ phù hợp với năng lực học sinh và theo các tỉ lệ mức độ qui định, phải có ma trận, bảng đặc tả ma trận đề kiểm tra.
- Đối với đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan cần có nhiều mã đề kiểm tra để đảm bảo công bằng giữa các học sinh; số lượng câu hỏi phải phù hợp, đảm bảo đủ thời gian cho học sinh thực hiện.
- Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.
III. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
- Đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng cho tất cả học sinh.
- Thực hiện đúng qui định, hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT về việc tổ chức kiểm tra đánh giá.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với hình thức kiểm tra trực tuyến: thực hiện trong điều kiện học sinh không thể đến trường.
1.1. Yêu cầu khi thực hiện
- Trước khi kiểm tra, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để thông tin cho phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa của việc kiểm tra, đánh giá để phụ huynh học sinh nhắc nhở các em chấp hành nội qui, đảm bảo tính trung thực khi tham gia kiểm tra trực tuyến.
- Nhà trường thông báo rộng rãi phần mềm, hình thức, thời gian, nội qui kiểm tra cho tất cả giáo viên và học sinh chuẩn bị.
- Kiểm tra việc kết nối mạng để tất cả học sinh đều được tham gia kiểm tra.
- Giáo viên sinh hoạt nội qui cho học sinh trước khi tiến hành kiểm tra.
- Hướng dẫn học sinh cách phản hồi khi có sự cố mất điện, lỗi kết nối mạng, lỗi hệ thống…trong quá trình làm bài.
- Hướng dẫn học sinh cách đăng nhập, thao tác lưu bài kiểm tra, cách gửi bài kiểm tra…
1.2. Tổ chức thực hiện
1.2.1. Thủ trưởng đơn vị
- Thủ trưởng đơn vị quyết định việc sử dụng phần mềm riêng lẻ (azota, zoom,...) hoặc phần mềm hệ thống (Microsoft Teams, K12online, VNPT elearning..); phần mềm kiểm tra dễ sử dụng, nhiều thí sinh cùng truy cập vào cùng thời điểm kiểm tra, có tính năng ưu việt như: bảo mật, quản lý học sinh, quản lý điểm số, lưu trữ bài kiểm tra… các đơn vị nên thống nhất một phần mềm để thực hiện các bài kiểm tra định kì (giữa kì I) cho các môn học tham gia kiểm tra trực tuyến.
- Tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên và học sinh biết sử dụng công cụ để kiểm tra định kì, có thể tổ chức kiểm tra trước một vài môn học để rút kinh nghiệm cho lần kiểm tra các môn học còn lại; khuyến khích việc tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra thử trước khi thực hiện các bài kiểm tra định kì chính thức.
- Xây dựng nội qui kiểm tra trực tuyến, tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc chấp hành nội qui khi tham gia kiểm tra trực tuyến.
- Thành lập tổ kĩ thuật để hỗ trợ công tác coi, chấm kiểm tra; giám sát việc tổ chức kiểm tra để đảm bảo công bằng, khách quan giữa các học sinh.
- Liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến (nhà mạng) nếu sử dụng phần mềm của nhà mạng để đáp ứng đầy đủ yêu cầu kĩ thuật cho giáo viên và học sinh tham gia kiểm tra.
1.2.2. Tổ chuyên môn
- Thống nhất xây dựng ma trận, bảng đặc tả ma trận theo cấu trúc hướng dẫn.
- Theo dõi, nhắc nhở giáo viên về việc chấp hành qui định kiểm tra; hỗ trợ giáo viên sử dụng công cụ để kiểm tra trực tuyến.
1.2.3. Giáo viên
- Xây dựng ma trận đề kiểm tra, bảng đặc tả theo cấu trúc thống nhất.
- Sinh hoạt nội qui, hướng dẫn thí sinh cách đăng nhập và các yêu cầu khác để chuẩn bị cho buổi kiểm tra.
- Giám sát việc thực hiện nội qui của học sinh khi thực hiện kiểm tra trực tuyến.
- Lưu bài kiểm tra và điểm số của học sinh.
- Tiếp nhận và báo cáo với người quản lý trực tiếp về tình hình buổi kiểm tra của học sinh.
1.2.4. Học sinh
- Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị học tập, vị trí, không gian phù hợp cho việc thực hiện các bài kiểm tra trực tuyến.
- Chuẩn bị sẵn sàng thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để tham gia kiểm tra.
- Chấp hành tốt nội qui và hướng dẫn của giáo viên coi kiểm tra. Học sinh gian lận trong quá trình kiểm tra sẽ bị xử lý theo quy định.
- Phản ánh đến giáo viên về sự cố mất điện, lỗi kết nối mạng, lỗi hệ thống...
2. Đối với hình thức kiểm tra trực tiếp: tiến hành trong điều kiện học sinh trở lại trường học trực tiếp, việc tổ chức kiểm tra phải đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc kiểm tra trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
3. Đối với các bài thực hành, dự án học tập: khuyến khích các đơn vị thực hiện kiểm tra định kì theo hình thức này. Tuy nhiên, đơn vị cần có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí đánh giá và công bố minh bạch cho học sinh trước khi thực hiện, các tiêu chí phải đánh giá được phẩm chất, năng lực của từng học sinh, tránh tình trạng đánh giá chung theo nhóm học tập.
4. Một số lưu ý khi thực hiện
- Đối với hình thức kiểm tra trực tiếp các đơn vị cần củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trong quá trình học trực tuyến trước khi kiểm tra để học sinh tiếp thu và làm bài đạt hiệu quả tốt nhất.
- Đối với các bài kiểm tra có kết quả bất thường (độ chênh lệch lớn giữa kết quả học tập thường xuyên và kết quả bài kiểm tra đang thực hiện): xem xét trên cơ sở ý kiến đồng thuận của tập thể giáo viên và học sinh, nhà trường có thể linh hoạt tổ chức lại việc kiểm tra nhằm đảm bảo đánh giá đúng thực chất quá trình tổ chức dạy và học của giáo viên và học sinh.
- Học sinh không tham gia kiểm tra định kì (giữa kì I) nhà trường có kế hoạch kiểm tra bổ sung cho các em trong thời gian thích hợp.
V. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Tùy theo tình hình dịch COVID-19 diễn biến tại địa phương, nhà trường thực hiện kiểm tra định kì (giữa kì I) theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức; tuy nhiên, các đơn vị cần sắp xếp, bố trí thời gian kiểm tra của các môn học hợp lý, tránh gây áp lực cho học sinh; thời gian thực hiện và hoàn thành việc kiểm tra chậm nhất trong tuần cuối của tháng 11 năm 2021.
Trên đây là hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kì (giữa kì I) trong điều kiện dịch COVID-19 đối với GDPT-GDTX cấp THCS, THPT năm học 2021-2022. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị liên hệ về Sở GDĐT (qua Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên) để được hướng dẫn, giải quyết.
Yêu cầu trưởng các phòng GDĐT, thủ trưởng các đơn vị thực hiện tốt nội dung Công văn này./.
Văn bản chi tiết: Link
Không có nhận xét nào